![cao su giống Minh Phương cao su giống Minh Phương](https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEiuMf1etsOhe7sLaAEYbDjnG2olS6SULW8j1V5Y-YqxT04slxMqWbvXDC3Mk1ByCb3oXdIRGPU7gFkBqV7Utl-pI75HWfARsjX_YUJ1iFALZUOa2mZ1OHINDRF6-5Di_7e5wyUWzKIVxn8/s400/cao-su-giong-minh-phuong-3.jpg)
Người dân trên địa bàn huyện Tân Châu chặt bỏ cây cao su sang trồng mì.
Nếu cao su có giá trở lại chắc tôi cũng không dám trồng nữa”... Không chỉ riêng ông Nguyên, nhiều người trồng cao su khác trên địa bàn ấp Thạnh Quới cũng rơi vào cảnh tương tự. Ông Phạm Vũ Tùng- Chủ tịch UBND xã Thạnh Đông cho biết: “Trước thực trạng này, xã đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo người nông dân không nên chạy theo thị trường, cần ổn định diện tích cao su đang có.
Tuy nhiên việc bà con nông dân “tự trồng, tự chặt” địa phương không thể cấm cản được. Hiện nay, tình hình chặt bỏ cây cao su đã tạm lắng do đã qua vụ trồng mì”.
Tân Đông cũng là một trong những xã có diện tích cao su bị đốn hạ khá cao, với khoảng 50 ha. Thời điểm “vàng trắng” lên ngôi, cũng như bao nông dân khác, ông Nguyễn Văn Lẹ ở ấp Đông Tiến cũng chạy theo phong trào trồng cao su. Khi giá mủ tuột dốc, vợ chồng ông đành bấm bụng chặt bỏ 20 ha cao su mới gần 2 năm tuổi để chuyển sang trồng mì. Ông Lẹ lý giải: “Cao su là loại cây trồng lâu năm mới thu hoạch, đến khi thu hoạch giá cả lại rớt thê thảm trong khi chi phí đầu tư lại không hề giảm, nông dân chúng tôi không dám liều với thời cuộc”.
Ngoài việc giá mủ giảm mạnh khiến cây cao su bị triệt hạ hàng loạt, nhiều diện tích cao su trồng trên đất thấp không phù hợp cũng dẫn đến tình trạng bà con nông dân phá bỏ để dành đất cho loại cây trồng khác. Đối với diện tích cao su đang khai thác, nhiều người cũng ráng cầm cự gọi là “kiếm tiền chợ”.
Khi đã hết thời vàng son, cây cao su cho dù đến tuổi khai thác các chủ vườn vẫn không dám thuê người cạo mủ vì lợi nhuận chẳng đáng là bao, thậm chí còn bị lỗ bởi tiền thuê nhân công thu hoạch, tiền phân tro, kiềng, máng, chén... không hề sụt giảm.
Không ít nông dân vì còn tiếc nuối với cây cao su một thời làm nên cơ nghiệp, không đành chặt bỏ nên chỉ rong cành, tỉa nhánh để trồng xen loại cây trồng khác, chủ yếu là cây mì, coi như… vớt vát phần nào. Tình hình giá cả thị trường lên xuống thất thường vẫn khiến bà con nông dân vừa làm vừa… hồi hộp.
Không chỉ những người trồng cao su lao đao mà cả những người làm nghề ươm cao su giống cũng khốn đốn. Chỉ tay về phía vườn cây giống đang vươn cao từng ngày, anh Nguyễn Trung Yên, ở ấp 1, xã Suối Ngô- người đã nhiều năm làm nghề ươm giống cao su lắc đầu ngao ngán: “Thời điểm giá mủ cao su ở mức cao kỷ lục 90.000 đồng/kg, mỗi năm tôi có thể thu về hàng trăm triệu đồng sau khi trừ hết chi phí. Tuy nhiên, vài ba năm trở lại đây nghề này ế ẩm quá. Trước đây mỗi cây cao su giống 3 tầng có giá 30.000 đồng thì nay chỉ còn 6.000 - 7.000 đồng.
Hiện tại tôi còn khoảng 40.000 cây cao su giống, lâu rồi chẳng thấy ai hỏi mua. Nếu tình hình giá mủ cao su vẫn như thế này, sắp tới đây chắc tôi phải phá bỏ. Cao su giống ế ẩm, vợ chồng tôi phải đi cạo mủ mướn để kiếm tiền, khoản nợ vay ngân hàng trên 300 triệu đồng không biết lấy tiền đâu mà trả”.
Khuyến cáo của chính quyền
Trước thực tế trên, UBND huyện Tân Châu đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn và chính quyền các địa phương trong huyện tăng cường công tác tuyên truyền và vận động nhân dân nên bình tĩnh ứng phó với những khó khăn hiện tại, ổn định diện tích cây trồng đang có, làm tốt khâu chăm sóc để tăng năng suất, giảm chi phí.
UBND huyện cùng với các xã, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình chặt phá cao su; thường xuyên thông tin tình hình sản xuất, tiêu thụ cao su. Theo nhận định, nhu cầu cao su của thế giới vẫn tăng. Sự chênh lệch cung cầu sẽ rút ngắn trong vài năm tới vì kinh tế thế giới đang phục hồi.
Đối với cao su non chưa khai thác, trong thời điểm cao su rớt giá bà con nông dân có thể trồng xen canh cây mì để cải thiện kinh tế. Đối với một số vườn cao su đã hết chu kỳ khai thác, năng suất mủ thấp thì có thể chặt bỏ, trồng lại cây khác phù hợp; nếu trồng lại cao su thì phải chọn giống tốt, cải thiện khâu trồng trọt để đạt năng suất cao nhất và tốn kém chi phí thấp nhất.
Các vườn cao su nằm ngoài vùng quy hoạch như trồng trên đất thấp trũng, đất không phù hợp, nếu vườn cây sinh trưởng kém, không đồng đều thì nên chuyển đổi sang cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn.
Cao su là loại cây trồng chiến lược phát triển nông nghiệp của huyện Tân Châu. Trong nhiều năm qua cây cao su đã góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế xã hội, xoá đói giảm nghèo ở địa phương.
Đây là loại cây trồng lâu năm, chi phí đầu tư rất cao; thời gian từ khi trồng đến khi thu hoạch mất khoảng 5- 6 năm và chu kỳ kinh doanh kéo dài 25 đến 30 năm. Do đó người dân cần tính toán kỹ trước khi phá bỏ cao su chuyển đổi sang cây trồng khác, bởi giá cả biến động khó lường, hạn chế đầu tư chạy theo “phong trào” dẫn đến thiệt hại về kinh tế.